Những thông tin về xoắn khuẩn giang mai
- Xoắn khuẩn giang mai là 1 loại vi khuẩn yếu, không thể sống được ngoài cơ thể con người.- Loại vi khuẩn này có thể chết nhanh chóng ở nơi khô, sống dai dẳng ở những nơi ẩm ướt. Nếu ở nước đá và độ lạnh -20ºC có thể sống rất lâu nhưng nếu ở nhiệt độ 45ºC thì nó hoàn toàn bất động và có thể sống được 30 phút.
- Xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể người thông qua da và niêm mạc bị xây xát có thể là do tiếp xúc trực tiếp do quan hệ tình dục, tiếp xúc đường hậu môn và miệng.
- Xoắn khuẩn giang mai có thể đi vào hạch và 1 vài giờ sau nó đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể.
Giang mai ở người trưởng thành
- Xoắn khuẩn giang mai lây truyền chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp qua đường sinh dục.- Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-3 tháng
- Bệnh giang mai phát triển qua 3 thời kỳ:
+ Giang mai thời kỳ 1: Giai đoạn săng. Các biểu hiện bệnh xuất hiện sau khi nhiễm xoắn khuẩn từ 10 – 90 ngày. Vùng bệnh xuất hiện các vết loét (chủ yếu là ở bộ phận sinh dục) không ngứa, không đau, không có mủ. Đường kính vết loét khoảng 1-2 cm, tròn, nông, nền cứng, da xung quanh bình thường. Ngoài ra có thể kèm theo hạch rắn, không đau ở những vùng lân cận.
+ Giang mai thời kỳ 2: Thời kỳ đào ban. Bắt đầu từ 12 tuần sau khi có săng, kéo dài độ 3 năm với các biểu hiện như sốt nhẹ, đau đầu, rụng tóc, xuất hiện các nốt hồng ban toàn thân nhưng sau đó có thể khỏi mà không để lại dấu vết gì. Bên cạnh đó người bệnh có thể nổi hạch toàn thân sưng to, không đau. Đây là thời kỳ bệnh có thể lây lan mạnh và gây ra các tổn thương sâu.
+ Giang mai thời kỳ 3: Giang mai thần kinh, gôm giang mai: Người bệnh xuất hiện các tổn thương sâu vào tổ chức như da, xương, gan, tim mạch, hệ thần kinh trung ương có các tổ chức xơ (gôm giang mai). Giang mai thần kinh sẽ gây rối loạn tâm thần và gây liệt đối với người bệnh.
Giang mai bẩm sinh
Là tình trạng bắt gặp khi người phụ nữ mang thai bị giang mai và dẫn đến lây nhiễm cho thai nhi thông qua rau thai.Giang mai bẩm sinh có thể gây ra các nguy cơ sảy, chết lưu hoặc trẻ sinh ra với các biến chứng như mũi yên ngựa, viêm màng xương, các dị tật bẩm sinh khác.
Bệnh giang mai là bệnh xã hội nguy hiểm. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh giang mai hiệu quả, vì vậy để ngăn chặn căn bệnh này “ghé thăm” thì tất cả chúng ta cần tránh các quan hệ tình dục không an toàn hay cẩn thận khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh. Trường hợp không may mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét